Bài viết

THẾ NÀO LÀ NGƯỜI NGHE ÂM THANH GIỎI?

Việc nghe thẩm định – nghe để đánh giá chất lượng thiết bị audio bằng cách lắng nghe và phân tích – hoàn toàn khác với nghe thưởng thức.

Mục đích của nghe thẩm định không phải dành cho những trải nghiệm về âm nhạc mà để quyết định xem hệ thống hoặc thiết bị audio đó có âm thanh hay hay dở và lý do tại sao. Khi muốn kiểm chứng những gid đã nghe, người nghe nên xác định các giá trị cần được đánh giá với việc tái tạo âm thanh. Người nghe có thể sử dụng những thông tin đó để đánh giá và lựa chọn thiết bị, phối ghép nên hệ thống hoàn thiện.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGHE THẦM ĐỊNH

Việc đánh giá dựa trên đôi tai là điều thiết yếu, bởi các thiết bị đo lường chưa đủ khả năng mô tả chất lượng trình diễn âm nhạc của các sản phẩm audio. Cơ chế nghe của con người nhạy cảm và phức tạp hơn trăm ngàn lần thiết bị kiểm định tiên tiến nhất. Dù thông số kỹ thuật là cơ sở đáng tin cậy để lựa chọn thiết bị, nhưng đôi tai mới là nhân tố phán quyết cuối cùng. Hơn nữa, sự khác biệt trong khả năng biểu đạt cảm xúc âm nhạc của mỗi thiết bị chỉ có thể cảm nhận theo cách chủ quan.

Nhiều người khi mới tiếp xúc với thiết bị tái tạo âm nhạc chất luộng cao thường đặt câu hỏi: “Dựa vào đâu để đánh giá thiết bị audio?” Đa phần tin rằng: chỉ cần dựa vào đo lường kỹ thuật là có thể đánh giá các yếu tố có liên quan đến khả năng trình diễn của sản phẩm. Nhưng thực tế không phải vậy. Nếu thiết bị đo lường làm được điều đó thì tạo sao vẫn cần những buổi nghe thẩm định nặng tính chủ quan do đôi tai người nghe quyết định?

Hơn nữa, thiết bị đo lường, kiểm tra và so sánh sản phẩm audio có xu hướng lượng hóa các yếu tố theo hai chiều: độ méo của sản phẩm, tần số đáp ứng, độ can nhiễu và một số yếu tố khác. Tuy nhiên, nghe nhạc là trải nhiệm ba chiều mà độ phức tạp của nó cao gấp nhiều lần bất kỳ tập hợp số nào (kết quả quá trình lượng hóa). Làm sao người nghe có thể biến đổi các biểu thức toán học . Vật lý ra quyết định nên chọn ampli nào? Và liệu những biểu thức phức tạp ấy có lý giải được tại sao bản nhạc đó lại có thể khiến người nghe rung động đến mức gai người!

Dẫu có sử dụng bao nhiêu thiết bị đo lường tối tân, thì cũng không thể đo được mức độ biểu nhạc âm nhạc của các thiết bị audio. Nếu phải lựa chọn một trong hai đầu dọc CD làm người chơi nhạc trong 5 năm tới, tôi thà dùng 10 phút để nghe từng thiết bị trong phòng nghe còn hơn dùng 10 giờ với mỗi thiết bị trong phòng kiểm định. Đến thời điểm, các thiết bị kiểm định vẫn chỉ là công cụ thô sơ, thua xa bộ lão người.

Hầu hết người nghe có thể chỉ ra sự khác biệt giữa âm thanh hay âm thanh dở. Nhưng việc khám phá sản phẩm đó đạt yêu cầu về nhạc tính không, khả năng nhận biết và mô tả những điển khác biệt (dù nhỏ nhất) trong âm thanh.. đều là những kỹ năng cần rèn luyện.giống như các kỹ năng khác, khả năng nghe thẩm định sẽ được nâng cao thông qua thực hành: nghe càng nhiều, càng có thể cảm nhận được những điểm khác biệt nhỏ trong âm thanh do hệ thống tái tạo để từ đó mô tả sự khác biệt giữa trong âm thống của mỗi loại thiết bị và lý giải nguyên do.

PHẨM CHẤT CỦA AUDIOPHILE

Âm thanh hay đồng nghĩa với thỏa mãn về cảm xúc âm nhạc được tái tạo bởi hệ thống audio. Nếu ai đó mời bạn đến nhà thưởng thức hệ thống hi-fi, bạn có thể nhận thấy anh ta là người yêu nhạc hay người mê máy (chỉ tập chung vào âm thanh nhiều hơn là âm nhạc). Nếu anh ta bật nhạc thật to, liên tục đổi đĩa và các trach nhạc rồi sau 30 giây lại vặn nhỏ để dò nhận xét nhận định của bạn, chắc hẳn đây không thể là người yêu nhạc. Ở trường hợp khác, nếu anh ta hỏi bạn thích nghe loại nhạc gì và chọn chương trình để chơi với âm lượng vừa phải rồi ngồi cùng bạn nghe trong vài chục phút, rất có thể người đó đã có những phẩm chất mà một audiophile cần có hoặc đơn giản anh ta là người rất quan tâm đến âm nhạc. Trường hợp đầu tiên, người đó muốn gây ấn tượng với bạn bằng âm thanh. Trường hợp thứ hai, người đó muốn gây ấn tượng bằng hệ thống của họ, nhưng thông qua âm nhạc chứ không phải âm thanh khiến căn phòng rung động. Đó là điểm khác biệt căn bản giữa người chơi máy và người yêu nhạc.

Ampli đèn điện tử có tên gọi “đèn single-end ba cực” là minh chứng tiêu biểu cho sự hạn chế của các công cụ đo lường trên khía cạnh hiệu quả về tái tạo âm nhạc của các thiết bị audio. Tất cả ampli đèn single-end ba cực đều cho kết quả đo tệ đến mức thảm hại với độ méo cao, công suất cực thấp (hầu hết dưới 10W/kênh) và chỉ có thể chơi với một số loa nhất định. Song chính loại ampli này lại cho âm thanh truyền cảm, mê hoặc không thể chối cãi.

Có nhiều người chỉ mới nghe nhạc được một lúc đã bình phẩm ưu/nhược của hệ thống. Rất có thể họ bị tác động bởi những âm thanh nhào nhoáng từ các show room hay ở nhà một người chơi máy nào đó. Khi bạn bắt đầu nghe nhạc ở nhà người khác hoặc cửa hàng audio, không nhất thiết phải bộc lộ quan điểm của mình về âm thanh. Hãy ngồi tĩnh nặng và tập trung nghe để âm nhạc (chứ không phải âm thanh) cho bạn thấy hệ thống đó hay đến mức nào.

Khi nghe cùng với một nhóm, bạn cũng không nên bị lung lay bởi ý kiến của những người xunh quanh. Tuy nhiên, nếu họ là những người nghe giàu kỹ năng, bạn nên cố gắng hiểu những gì họ đang bàn luận. Lắng nghe những mô tả, so sánh ý kiến của họ với cảm nhận của bạn. Song cũng không nên giữ khư khư những nhận định của người khác trong đầu. Ví như trong trường hợp bạn không cảm nhận được sự khác biệt giữa hai sợi dây tín hiệu, đừng ngại nói ra điều đó. Hơn nữa, bạn cũng lên thành thực bày tỏ ý kiến khi được hỏi về hệ thống nào đó mà mình được nghe. Nếu âm thanh dở, hãy cho họ biết bạn thấy nó dở.

Bất kỳ thiết bị audio nào cũng ảnh hưởng đến tín hiệu âm thanh đi qua. Một số sản phẩm bị sai âm khi thêm thắt những đặc tính không đáng có ví như tiếng treble sạn âm bass lùng bùng. Một số thiết bị khác lại khiến cho âm thanh bị hụt, chẳng hạn một cặp loa nhỏ không thể tái tạo những tần số cực thấp. Nếu nột số âm thanh nào đó của bản nhạc không được tái tạo trọn vẹn, tiền thức từ não bộ sẽ cho bạn biết âm thanh đó thiếu những yếu tố nào gì? Song bạn vẫn có thể thưởng thức âm nhạc một cách thỏa mái. Tuy nhiên, nếu hệ thống tái tạo lại thêm một số đặc tính cho âm thanh, bạn sẽ luôn bị ám ảnh rằng những gì bạn đang nghe là sản phẩm tái tạo, không phải “đồ thật”

Một audiophile có kiến thức sâu rộng về âm nhạc và có kinh nghiệm về việc chúng được tái tạo như thế nào mới hiểu được tầm quan trọng của sự khác biệt (dù nhỏ nhất) trong việc tái tạo âm thanh của bộ dàn. Những cải thiện nhỏ có thể mang lại khác biệt khác biệt lớn trong màn hình diễn của hệ thống.

“BẪY” KHI NGHE THẨM ĐỊNH

Có một số điểm đáng quan ngại khi phát triển kỹ năng nghe thẩm định, đó là phân biệt giữa nghe thẩm định và nghe thưởng thức. Một khi đã tập trung toàn bộ tinh thần và dán định chất lượng âm thanh, bạn có thể dễ dàng quên mất lý do đã đưa mình đến thế giới của audio là âm nhạc, Điều này cũng có thể khiến bạn có thói quen không mấy dễ chịu, đó là hễ nghe nhạc là phải tập trung để đưa ra đánh giá xem đúngsai về âm thanh. Trong khi đó, thiết bị hi-and thường có màn trình diễn tốt đến mức người không cảm thấy sự hiện diện của các thiết bị phần cứng. Khi nghe nhạc để thưởng thức, người nghe thường không để ý đến thiết bị và quên việc nghe đánh giá. Chỉ nên chuyển sang trạng thái nghe thẩm định khi người nghe cần quyết định lựa chọn sản phẩm hoặc luyện nghe để trở thành người nghe tinh. Một audiophile có bản lĩnh thường xuyên xác định được ranh giới giữa nghe thẩm định và nghe thưởng thức và biết khi nào nên vượt qua ranh giới đó.

Khi chúng ta cho tín hiệu đi qua thiết bị audio, thì kết quả đầu ra không bao giờ bằng tín hiệu gốc. Do đó, người chơi nên tối giản các linh kiện, thiết bị trong hệ thống, loại bỏ nhưng thiết bị điện tử không thực sự cần thiết giữa người nghe và âm nhạc.

Cũng có một nguy cơ tiền ẩn khác, đó là khi tiêu chuẩn về âm thanh theo đôi tai của bạn đã được nâng đến mức mà ở đó các thiết bị audio không đáp ứng được những chuẩn này thì bạn không thể thưởng thức âm nhạc chọn vẹn. Điều quan trọng là không thể để mong muốn trở thành audiophile cản trở thú vui thưởng thức âm nhạc của bạn vì bất kỳ lý do nào!

Một trong những khó khăn lớn nhất của nghe thẩm định là tìm ra ngôn từ phù hợp để mô tả những cảm nhận và trải nghiệm trong quá trình nghe.

Vốn từ mô tả những phẩm chất âm thanh không chỉ cần thiết trong việc truyền đạt lại những gì nghe được cho người khác mà còn giúp người chơi tự ghi nhận và thấu hiểu với những trải nghiệm của bản thân. Bài viết này đề cập đến những khái niệm và vốn từ vựng dùng để mô tả phẩm chất âm thanh của thiết bị audio.

Trước khi mô tả từng khái niệm cụ thể, chúng tôi muốn độc giả nắm được hệ thống thuật ngữ dùng để mô tả dải tần âm thanh. Dải tần số âm thanh mà tai người nghe thấy trải dài trên 10 quãng tám bắt đầu từ 16Hz đến 20kHz, có thể chia thành một số vùng cụ thể theo bảng dưới đây.

> SỰ CÂN BẰNG VỀ GIỌNG (TONAL BALANCE)

Khía cạnh đầu tiên trong màn trình diễn âm nhạc của mỗi thiết bị mà người nghe cần lưu tâm là sự cân bằng về chất giọng, sự hài hòa cân bằng giữa âm bass, mid hay treble của thiết bị đạt đến mức nào. Nếu âm thanh có xu hướng nhiều treble, có thể gọi là thiết bị thiên sáng. Nếu âm bass lấn át các dải khác, thiết bị đó được coi như có chất tiếng nặng. Ngược lại, nếu có quá ít âm bass, có thể coi thiết bị đó mỏng tiếng, nhẹ bass hoặc thiên cao. Sự cân bằng về giọng của thiết bị audio đặc biệt có ý nghĩa, thường ảnh hưởng lớn đến âm điệu của nó.

>ÂM HÌNH (OVERALL PERSPECTIVE)

Thuật ngữ âm hình mô tả khoảng cách hiện hữu giữa người nghe và âm nhạc. Âm hình chủ yếu thể hiện khoảng cách giữa người trình diễn với microphone. Tuy nhiên, nó cũng chịu ảnh hưởng của các thiết bị tái tạo trong hệ thống. Một số thiết bị khiến màn trình diễn như được đẩy lên phía trước, hướng đến người nghe. Trong khi đó, một số thiết bị khác, lại có xu hướng kéo lùi sân khấu lại phía sau. Thiết bị có âm hình tiến thể hiện âm nhạc ở phía trước cặp loa, sản phẩm có âm hình lùi thể hiện âm nhạc hơi lùi về phía sau loa.

Một số thuật ngữ khác cũng được sử dụng để mô tả âm hình. Ví như từ khô (dry) thường dùng để mô tả âm thanh thiếu độ vang và không gian, nhưng cũng có thể hiểu được nếu ám chỉ âm hình hơi tiến. Một số cụm từ khác có thể dùng để mô tả âm hình tiến như: trực tiếp (immediate), sắc tiếng (incisive), tấn công (aggressive), chói lọi (vivid)… Những thuật ngữ đi kèm với âm hình lùi thường được dùng như: dịu (easygoing), nhẹ nhàng (gentle)…

> TIẾNG TREBLE

Tiếng treble hay là yếu tố không thể thiếu trong hệ thống tái tạo âm nhạc chất lượng cao. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều sản phẩm audio xuất sắc lại không thể thỏa mãn yêu cầu về nhạc tính bởi sự yếu kém trong phần trình diễn tiếng treble.

Những đặc tính của tiếng treble mà người chơi audio muốn tránh được thể hiện qua những thuật ngữ như: sáng (tươi), rối, tiến, tấn công, cứng, giòn, sắc, khô, nhợt, chuội, chói, đanh, rít, sạn…

Thiết bị audio có tiếng treble với những đặc điểm trên thường khiến người nghe cảm thấy không thoải mái trong quá trình nghe nhạc. Khi đó, người nghe có cảm giác như tiếng treble không hòa nhập với màn hòa âm tổng thể của bản nhạc,, mà tách rời “một mình một điệu”. Trong trường hợp này, người nghe sẽ nhận biết tiếng treble như một thực thể riêng biệt mà không còn là yếu tố cấu thành nên âm nhạc. Một số nguyên nhân chính gây ra vấn đề trên như: chất lượng của loa tweeter (loa treble) trong cặp loa, phòng nghe bị dội âm (cao) quá nhiều, các thiết bị nguồn digital (thường là đầu đọc CD), pre-ampli, ampli công suất, dây dẫn và nguồn điện bẩn, nhiễu.

Những thuật ngữ được liệt kê sau đây thường dùng để mô tả tiếng treble hay như: mượt, ngọt, êm, mịn, nhẹ, dịu… Khi tiếng treble trở nên quá mượt, người ta thường sử dụng từ ướt át hay ủy mị để chỉ âm thanh của thiết bị. Có thể hiểu, những thuật ngữ như “mượt, ngọt và mịn” được sử dụng như sự khen tặng. Ngược lại, “ướt át, ủy mị” cho thấy tiếng treble đã vượt quá giới hạn cân bằng và thiết bị đã trở nên sai âm.

Những thiết bị có chất tiếng nhạt, đơn điệu, chậm, dày, hẹp và thiếu chi tiết thường có tiếng treble vượt quá mức mượt mà cần thiết. Một số thiết bị khác lại khiến màn trình diễn âm nhạc thiếu sức sống, không gian, độ mở, sự dàn trải nếu tiếng treble quá mềm. Khi đó, âm nhạc chỉ được tái tạo trong phạm vi hẹp, thiếu độ mở và độ lớn.

Không gian của quãng tám cao nhất thể hiện sự (gần như) không có giới hạn trong độ mở của tiếng treble, khiến người nghe như thấy được lớp không khí bao bọc xung quanh mỗi âm thanh nghe thấy từ nhạc cụ và giọng hát. Những hệ thống không tái tạo được quãng tám cao nhất thường không thể hiện được độ chi tiết của không gian âm nhạc.

Tiếng treble hay nhất giống với âm nhạc thực nhất. Để đạt tới điều này, tiếng treble phải giàu năng lượng. Ví như tiếng cymbal thật nghe rất mạnh mẽ mà không sạn hay bị khô. Âm thanh tái tạo chỉ được gọi là thành công khi loại bỏ những âm thanh mà trong nhạc sống không có. Hơn thế, tiếng treble phải là yếu tố cấu thành và hài hòa với tổng thể âm nhạc chứ không phải là thứ tiếng ồn ở dải tần cao khiến người nghe khó chịu.

Dải tần
Giới hạn dưới (Hz) Giới hạn trên (Hz) Mô tả
16 40 Deep bass (Bass sâu)
40 100 Mid bass (Bass trung)
100 250 Upper bass (Bass cao)
250 500 Lower Midrange (Trung trầm)
500 1.000 (Middle) Midrange (Trung)
1.000 2.000 Upper Midrange (Trung cao)
2.000 3.500 Lower Treble (Treble thấp)
3.500 6.000 Midle Treble (Treble)
6.000 10.000 Upper Treble (Treble cao)
10.000 20.000 Top Octave (Quãng tám cao nhất)

Khác với cách nghe nhạc thông thường nhằm giải trí hay thư giản, một audiophile thực thụ phải biết cảm thụ, phân tích chất lượng của một dàn âm thanh để đánh giá được cụ thể cái “Hay”, “Dở” của từng thiết bị.

Tạo hóa đã ban cho đôi tai con người với khả năng nghe, cảm nhận âm nhạc tinh xảo và nhạy cảm hơn bất kỳ một thiết bị, máy móc hiện đại nào.

Tuy nhiên, hầu hết chúng ta có thể so sánh được sự khác biệt giữa một âm thanh hay và một âm thanh không hay. Để chỉ ra được chính xác một thiết bị âm nhạc trình diễn hay ở điểm nào? Và dở ở điểm nào? Điều đó thật không đơn giản, nó thuộc về “qúa trình khổ luyện” của mỗi cá nhân.

Một người có khả năng cảm nhận và đánh giá âm nhạc càng chính xác, đồng nghĩa với thời gian người đó dành cho việc nghe nhạc càng nhiều.

Bảng Phân Chia dãy âm tần

Tai người có khả năng nghe được những tín hiệu âm thanh có tần số từ 16hz đến 20kHz. Dãy âm tần này được phân chia theo tên gọi như sau:

Tính theo Hz

20 – 40 : Deep Bass ( Bass sâu)
40 – 80 : Midbass ( Bass trung )
80 – 160 : Upper Bass ( Bass cao)
160 – 320 : Lower Midrange ( Trung âm thấp)
320 – 640 : Middle Midrange ( Trung âm trung)
640 – 1280 : Upper Midrange ( Trung âm cao)
1280 – 2560 : Lower Treble ( Treble thấp)
2560 – 5120 : Middle Treble ( Treble trung)
5120 – 10240 : Upper Treble ( Treble cao)
10240 – 20480 : Top Octave ( Đỉnh cực cao của dãi tần âm treble)

Những Khó Khăn Thường Gặp Trong Quá Trình Nghe

Thật không đơn giản chút nào để trở thành một người nghe nhạc “ có đẳng cấp”, thậm chí nhiều người nghe nhạc rất thường xuyên nhưng vẫn không phân biệt được thế nào là “nghe nhạc giải trí” và “nghe nhạc cảm thụ”.

Vấn đề lớn nhất của chúng ta là tìm ra được những từ ngữ, thuật ngữ thật đúng và chính xác để diễn đạt những cảm nhận của mình bằng lời khi muốn phê bình hay đánh giá chất lượng của âm nhạc.

Không Gian trong Âm Nhạc

Không Gian trong âm nhạc được khái niệm là khoảng cách giữa âm nhạc đến tai người nghe, điều này khác hẳn khoảng cách đặt các thiết bị và vị trí người nghe. Một số phòng thu có thiết bị và công nghệ thu âm có thể cho ra các CD nhạc có hiệu ứng âm thanh làm cho người nghe cảm giác âm nhạc thật gần gũi và luôn có xu hướng đi về phía trước. Tuy nhiên, một số thiết bị âm thanh cũng có khả năng tạo ra được những hiệu quả âm thanh tương tự Điển hình là một số mẫu loa có thể cho người nghe cảm giác âm nhạc phát ra từ không gian sâu thẳm phía sau loa hay ngược lại âm nhạc như đang lơ lửng trước mặt.

Âm Sắc

Đặc điểm nổi bật và dễ nhận biết nhất khi đánh giá chất lượng trình diễn của một thiết bị âm nhạc đó chính là Âm Sắchay còn gọi là nhạc tính của ba dãy âm tần Bass, Mid, Treble.

Điều này được giải thích qua ví dụ cụ thể như sau:

Khi nghe một đoạn nhạc ở dãy âm tần cao, tiếng Treble thể hiện nổi bật, vượt trội hơn so với những âm tần khác ta sẽ nói bộ dàn này có tiếng Treble Tươi hay Sáng. Trái lại khi âm Treble bị chìm, mờ nhạt ta gọi là Treble Đục, Mờ…

Đối với âm Bass khi nghe ta có cảm giác tiếng Bass lấn lướt, át đi những âm tần khác ta gọi Bass Dày,Chắc…Nếu âm Bass quá ít hay thiếu trường hợp này là Bass Mỏng, Yếu, Thiếu Lực…

Tương tự vậy, âm Mid sẽ được gọi là rõ ràng hay Chi Tiết,…Khi dãy trung âm được thể hiện rõ ràng, sắc nét.

Tóm lại Sự Cân Bằng Âm Sắc là yếu tố cơ bản nhưng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, có thể làm nền tảng để người nghe dựa vào đó mà cảm nhận, phê bình hay đánh giá chất lượng Hay, Dở của âm nhạc.

Âm Treble

Tiếng Treble được cho là nền tảng tạo ra chất lượng âm thanh hay, điều này quan trọng đến nỗi nhiều thiết bị âm nhạc đắt tiền, cao cấp nhưng vẫn bị cho là tầm thường vì thể hiện âm Treble không xuất sắc.

Thật vậy, một khi âm Treble được tái tạo “không đạt tiêu chuẩn” rất dễ khiến người nghe có cảm giác căng thẳng, khó chịu, làm giảm đi rất nhiều giá trị của âm nhạc.

Một vài thiết bị âm thanh như đầu phát CD hay Ampli thể hiện dãy cao tần quá thừa dẫn đến tình trạng tiếng Treble bị “chói”, trường hợp này khi nghe giọng ca sĩ ta sẽ thấy rõ ở cuối mỗi câu nhạc có kéo theo đuôi nhiều chữ “ssss”,hay “sssshhhh”.

Khi âm Treble được tạo ra ở tần số từ 5kHz đến 20kHz sẽ cho chất âm “khô”, tiếng treble như thiếu không khí.

Treble quá nhiều chất “ Kim “ sẽ làm méo tiếng, âm nhạc sẽ mất đi tính trung thực.

Âm Mid

J. Gordon Holt – Cha đẻ của bộ môn đánh giá thiết bị âm nhạc đã từng phát biểu: “ Không có tiếng Mid âm nhạc không là gì cả”.

Âm Mid thật sự quan trọng như thế sao?

Từ ngàn xưa, khi con người còn chưa biết đến âm nhạc là gì thì tiếng Mid đã tồn tại, đó là những âm thanh quen thuộc quanh chúng ta như: Tiếng nói của con người, tiếng xạc xào của cây lá, tiếng kêu của muông thú…

Tai người nhạy cảm nhiều với Âm Mid và Treble thấp ( Lower Treble) hơn là với Âm Bass. Thông thường chúng ta cảm nhận âm thanh tốt nhất ở dãy tần từ 800 Hz đến 3kHz.
Điều thú vị mà hiếm khi những người nghe nhạc quan tâm đó là hầu hết năng lượng của âm nhạc đều tập trung ở tiếng Mid.

Âm Mid cũng góp phần tạo nên hiệu ứng về “màu sắc” cho âm nhạc.

Ví dụ sau đây sẽ chỉ rõ cho chúng ta cách cảm nhận “màu sắc” tiếng Mid: Khi ta nắm bàn tay lại tạo thành hình dáng như một chiếc cốc, sau đó đặt tay lên miệng và thử hát một đoạn nhạc, vừa hát vừa đóng và mở bàn tay. Lúc này ta sẽ có cảm giác giọng hát của mình có sự thay đổi, lúc to lúc nhỏ, khi lên cao khi xuống thấp ( về cường độ và tần số ), sự biến đổi này được gọi là “Màu Sắc” của tiếng Mid.

Khi đã hiểu rõ bản chất của sự thay đổi và biết cách tập trung nghe một cách hợp lý, nhất định chúng ta sẽ cảm nhận được đầy đủ cái “hồn” của tiếng Mid trong âm nhạc, qua đó sẽ đánh giá đúng và chính xác dãy âm tần này.

Những vấn đề hay gặp phải đối với âm Mid trong qúa trình nghe nhạc:

– Giọng ca sĩ run rẩy như đang bị cảm lạnh.
– Giọng ca sĩ như phát ra từ mũi.
– Giọng ca sĩ bị méo…

Phần lớn những rắc rối xảy ra với âm Mid đều bắt nguồn từ loa, do đó khi thẩm định chất âm Mid của một bộ dàn âm thanh chúng ta nên quan tâm nhiều đến loa hơn là những thiết bị khác.

Tuy nhiên những thiết kế loa gần đây, đặc biệt là những sản phẩm loa Hi-end hầu như đã giải quyết được những trục trặc này.

Vẫn còn một đặc điểm khá quan trọng mà người nghe nên nắm rõ khi nghe âm Mid, đó chính là độ “ nhuyễn” của nhạc cụ. Độ Nhuyễn này không phải là âm thanh ta nghe được khi các nhạc cụ trình diễn mà là cái nền tổng quát khi chúng phối hơp với nhau.

Khi độ “nhuyễn” đạt đến mức cao nhất sẽ cho âm sắc của nhạc cụ thật hài hòa và tinh tế.

Âm Mid quá mỏng hay quá cứng sẽ tạo ra chất Mid thô ( từ chuyên môn gọi là Chát). Hiện tượng này dễ nhận thấy mỗi khi ca sĩ nhấn giọng, tiếng Saxophone dở cũng thường cho kết quả tương tự.

Tiếng Mid được cho là “đạt tiêu chuẩn” khi người nghe có cảm giác dãy âm tần này ấm áp, rõ ràng và chi tiết.

Âm Bass

Trong âm nhạc tiếng Bass là dãy âm tần dễ nhận biết nhất nhưng cũng thường bị đánh giá sai nhiều nhất. Nhiều người vẫn hay lầm tưởng rằng tiếng Bass càng nhiều, càng hùng hồn là Bass hay. Tuy nhiên thực tế hoàn toàn trái ngược, Bass nhiều và mạnh mẽ chưa hẳn đã hay.

Chúng ta nghe âm Bass là để cảm nhận cái hay, nét tinh tế và chất lượng chứ không đơn thuần chỉ nghe số lượng nhiều ít của Bass bởi tiếng Bass khi được tái tạo trung thực sẽ mang đến cho âm nhạc rất nhiều màu sắc và cảm xúc.

Thật ra mà nói, tiếng Bass là cái sườn của giai điệu và nhịp điệu trong âm nhạc.Nhưng không may, rất khó để tái tạo hoàn hảo dãy âm tần này bởi vì tiếng Bass phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như: Phòng nghe, Ampli, Loa, Dây truyền dẫn tín hiệu …thậm chí cả nguồn phát nhạc.

Vấn đề phổ biến nhất thường gây ảnh hưởng đến chất lượng âm Bass là “Bass thiếu lực”, “ Bass thiếu chiều sâu”. Điều này khiến người nghe có cảm giác tiếng Bass cụt ngủn, chậm chạp, kéo theo nền nhạc chìm xuống, thiếu đi sức sống và nhạc tính.

– Những thuật ngữ mô tả âm Bass hay: chặt chẽ, sạch, chính xác, chắc, nhanh,có lực, rõ ràng, căng, có chiều sâu…Tiếng Bass hay được ví như chiếc lò xo âm nhạc đang căng đầy, luôn bật ra được những âm thanh mạnh mẽ, sống động.

– Những thuật ngữ dành cho âm Bass dở: mỏng, ngắn, rỗng,chậm chạp, thiếu lực, nặng nề…

Một số thiết bị âm nhạc cao cấp có thể đưa tần số dãy âm trầm xuống đến 35Hz, ở tần số này các chi tiết của âm Bass hầu như được tái tạo hoàn hảo, người nghe sẽ cảm nhận được độ rộng mở và chiều sâu của tiếng Bass một cách tốt nhất.

Âm Hình

Âm hình được khái niệm là “hình ảnh được tái tạo” của âm nhạc mà người nghe “nhìn thấy được” trong quá trình cảm thụ.

Khi đứng trước một dàn thiết bị âm thanh đã được phối ghép hoàn chỉnh, hãy nhắm mắt lại và tập trung cao, tưởng tượng như mình đang có mặt trong một phòng hòa nhạc. Chúng ta sẽ “nhìn thấy được” hình ảnh, vị trí của ca sĩ và từng nhạc cụ đang trình diễn.
Tại sao có điều kì lạ như vây?

Đây chính là kết quả của hiệu ứng chiều sâu và chiều rộng trong không gian âm nhạc kết hợp với kỹ thuật thu âm hoàn chỉnh.

Trong tất cả những cách thức tái tạo âm nhạc thì “ tái tạo âm hình” được xem là thú vị nhất. Thử nghĩ về điều này, khi chúng ta ngồi nghe một bài nhạc, ta cảm nhận được tiếng Violon phát ra từ vị trí bên trái, tiếng kèn Saxophone đi từ bên phải, đàn Piano văng vẳng phía sau, giọng ca sĩ như đong đưa trước mặt… Cảm giác giống như đang ngồi trước một sân khấu nhạc sống và đối diện với ban nhạc bằng xương bằng thịt vậy.

Diễn giải cho quy trình hình thành âm hình như sau:

Khi một bộ dàn thiết bị âm thanh hoạt động sẽ truyền tải 2 dòng điện tín hiệu đến loa, tại đây 2 loa sẽ thực hiện nhiệm vụ tái tạo dòng tín hiệu này và truyền đến tai người nghe.

Sau khi tiếp nhận nguồn tín hiệu âm thanh, nảo của chúng ta sẽ tiến hành giải mã và phân chia dãy âm tần này thành nhiều tần số khác nhau. Thật ra, mắt không hề nhìn thấy hình ảnh hay chiều sâu của âm nhac, âm hình được tạo ra từ nảo dựa trên nền âm nhạc thông qua trí tưởng tượng phong phú và những hiệu ứng âm học mà ra.

Các thiết bị âm thanh cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng âm hình. Một số thiết bị có thể làm không gian của âm hình bị co lại, thiếu đi chiều sâu và độ rộng mở ( ta gọi là âm hình có biên độ cạn,hẹp). Số khác có khả năng khuyếch đại biên độ của âm hình lên cao hơn.

Chi Tiết Âm Nhạc

Nói đến chi tiết là nói đến nét tinh xảo của âm nhạc. Ví dụ khi nghe nhạc chúng ta cảm nhận được sự tinh tế về đường nét, cấu trúc âm sắc của một nhạc cụ, đó chính là ”chi tiết”.

Một bộ dàn trình diễn tạo ra đươc nhiều “chi tiết” âm nhạc sẽ mang đến cho người nghe nhiều cảm xúc, âm nhạc sẽ nhiều màu sắc và tình cảm hơn.

Một số thiết bị Audio đã “phóng đại” chi tiết của âm nhạc lên nhiều quá sẽ làm cho nền âm thanh mang nét giả tạo, không trung thực. Điều này khiến cho âm nhạc có vẻ “kích động”, gây cho người nghe cảm giác mệt mỏi, khó chịu.

Nền âm nhạc thiếu chi tiết sẽ kéo theo tiếng Treble mất đi độ tươi sáng, âm sắc của nhạc cụ sẽ chìm hẳn và thiếu sinh động.

Nhịp điệu và tiết tấu

Nhịp điệu và tiết tấu đóng vai trò là “ nguồn cảm hứng “ trong âm nhạc. Điệu Blue hay Slow Rock chậm buồn tha thiết sẽ khiến người nghe lắng đọng cảm xúc, một bài nhạc với nhịp điệu Tango, tiết tấu nhanh, dồn dập, sẽ cuốn hút người nghe hòa mình vào trong thế giới của âm thanh, thôi thúc cơ thể chúng ta phải lắc lư, cử động theo từng nốt nhạc.

Như đã nói ở phần trên, nhịp điệu và tiết tấu được hình thành dựa trên nền của âm Bass. Do vậy, một người am hiểu về âm nhạc chỉ cần nghe loáng thoáng vài tiếng “ xập xình” của âm Bass cũng đủ nhận ra bài nhạc đang được thể hiện ở tiết điệu gì?.

Nhip điệu và tiết tấu cũng phụ thuộc nhiều vào các thiết bị âm thanh . Một bộ dàn trình diễn hay sẽ khiến cho nhịp điệu trở nên lả lướt và hấp dẫn hơn, trái lại những thiết bị tầm thường sẽ làm cho nhịp điệụ nặng nề, chậm chạp, âm nhạc sẽ mất đi sinh khí vốn có.

Quy Trình Thẩm Định Âm Nhạc

Sau khi đã nắm rõ được những từ ngữ, thuật ngữ chuyên dụng, hiểu thấu bản chất của âm nhạc và những yếu tố quyết định đến chất lượng âm thanh, giờ đây chúng ta đã có đủ cơ sở lí thuyết vững chắc để có thể bắt đầu một quy trình thẩm định âm nhạc.

Trước khi bắt đầu chúng ta hãy để cho tinh thần thật thoải mái, đầu óc trống rỗng, hoàn toàn không có gì ngoài âm nhạc.

Bỏ qua tất cả những định kiến, ấn tượng không hay về tên thương hiệu, giá cả của thiết bị để bước vào thế giới âm nhạc bằng một tâm lý thật công bằng và khách quan.
Quy luật đầu tiên để thẩm định chất lượng âm thanh của một bộ dàn là chỉ thay đổi từng thiết bị một.

Ví dụ để so sánh chất âm giữa hai Pre Amplifier bắt buộc ta phải sử dụng cùng chung một Nguồn phát nhạc, Dây tín hiệu, Dây nguồn, Ampli, Loa, Phòng nghe…Như vậy thì việc đánh giá của chúng ta sẽ chính xác và khách quan hơn.

Quy luật tiếp theo là phải giữ cùng một mức âm lượng khi so sánh hai thiết bị với nhau, bởi vì khi ta thay đổi mức âm lượng thì sẽ kéo theo sự thay đổi chất lượng của âm thanh.

Chẳng hạn khi cho thiết bị A hoạt động với mức âm lượng cao và thiết bị B với mức âm lượng thấp thì hiển nhiên thiết bị A sẽ cho chất âm mạnh mẽ, sống động hơn mặc dù cả hai đều trình diễn trên cùng một bộ dàn.

Cuối cùng, nguồn phát nhạc cũng khiến cho việc đánh giá âm nhạc mất đi độ chính xác, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng thiết bị. Nên chọn những nguồn phát có chất lượng ghi âm cao, ba dãy âm tần Bass, Mid, Treble phối hợp hài hòa, như vậy các thiết bị của chúng ta mới bộc lộ hết khả năng của chúng, góp phần cho việc đánh giá âm nhạc đúng và chính xác hơn.

Những gợi ý cần thiết

Bằng cách thường xuyên nghe nhạc, xem nhiều tạp chí về Audio để tích lũy vốn kiến thức và những thuật ngữ chuyên ngành, nhất định qua thời gian chúng ta sẽ phát huy được khả năng cảm thụ và đánh giá âm nhạc tốt hơn.

Các chuyên gia trong lĩnh vực âm học có lời khuyên rằng: Bất kì thời điểm nào trong khi nghe, nếu phát hiện được những điểm ấn tượng, đặc sắc của âm nhạc chúng ta nên viết ra ngay ý kiến của mình về cảm giác đó. Dần dần những thói quen này sẽ phát triển thành kinh nghiệm, đến một lúc nào đó, đứng trước một dàn âm thanh chúng ta sẽ có đủ cơ sở lí thuyết để đánh giá một cách chính xác từng thiết bị trình diễn hay ở điểm nào, dở ở điểm nào và tại sao thiết bị này hay, thiết bị kia lại dở…

Tóm lại có những quy định mà người nghe cần nắm rõ trong một quy trình thẩm định âm nhạc.

– Sử dụng cùng một nguồn âm nhạc
– Khi cần so sánh hai thiết bị với nhau chỉ thay đổi mỗi lần một thiết bị trong cùng một bộ dàn
– Giữ mức âm lượng cố định
– Quy tắc test để so sánh hai thiết bị A /B / A
– Sử dụng nguồn nhạc quen thuộc, có chất lượng ghi âm cao.
– Chọn thể loại nhạc thể hiện tốt ba dãy âm tần Bass, Mid , Treble.

Những cạm bẫy khi trờ thành 1 người nghe bình phẩm

Có 1 số nguy hiểm gắn liền với việc phát triển kỹ năng nghe bình phẩm. Đầu tiên là mất khả năng phân biệt giữa nghe bình phẩm và nghe giải trí.

Một khi đã bắt đầu con đường bình phẩm chất lượng âm thanh người ta dễ dàng quên mất rằng lý do ta để tâm tới âm thanh là vì ta yêu âm nhạc. Cứ tưởng tượng nếu cứ mỗi khi nghe nhạc chúng ta lại phải có ý kiến rằng âm thanh hay hay dở. Đây là con đường chắc chắn đưa tới 1 căn bệnh khôi hài gọi là cuồng âm (tẩu hỏa nhập ma). Triệu chứng của bệnh này là liên tục thay đổi máy móc, chỉ mở nghe 1 track của đĩa nào đó mỗi khi nghe thay vì nghe trọn cả đĩa, thay đổi Cables cho một loại nhạc nào đó và nói chung là nghe máy thay vì nghe nhạc.

Nhưng hi-end audio là làm cho máy móc biến mất. Khi nghe để giải trí-thời gian chủ yếu mà bạn nên dành cho nó-hãy quên máy móc đi. Hãy quên đi kiểu nghe bình phẩm. Chỉ quay lại với nó khi nào bạn cần đánh giá chất lượng hoặc tập nghe để trở thành 1 người nghe giỏi hơn. Hãy tạo một làn ranh giữa nghe bình phẩm và nghe giải trí. Đừng bước qua nó.

Còn 1 nguy hiểm kéo theo nữa là : tiêu chuẩn chất lượng âm thanh của bạn tăng lên tới độ bạn không thể thưởng thức âm nhạc được trừ khi âm thanh bạn nghe thật hoàn hảo. Nói cách khác tới điểm chấm hết mà ở đó bạn không thể thưởng thức âm nhạc được nữa. Hãy hạ bớt sự trông đợi của bạn về chất lượng âm thanh khi mà bạn không thể điều khiển được nó. Mặc dù không phải là chất lượng cao ta vẫn có thể vui thích với âm thanh của dàn máy trong xe hơi. Đừng để việc trở thành audiophile quấy rầy việc thưởng thức âm nhạc của bạn bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.

Tiếp tục nội dung của những kỳ trước, trong số ra tháng này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến độc giả về trung âm.

Đây là dải âm có màn trình diễn chính và quan trọng với thiết bị audio nói riêng và hệ thống hi-fi nói chung, ngõ hầu giúp độc giả nâng cao khả năng cảm nhận và đánh giá hệ thống khi nghe thẩm định.

Trung âm là khái niệm rất quan trọng do hầu hết năng lượng của âm nhạc tập trung ở dải âm này, đặc biệt là hài âm của các loại nhạc cụ. Không chỉ có vậy, dải trung và dải treble thấp cũng nhạy cảm hơn với tai người so với dải bass và treble cao. Đôi tai người rất thính nhạy với âm thanh thuộc dải tần từ 800Hz đến 3kHz. Ngưỡng nghe dễ chịu nhất của tai người thường tập trung vào dải trung âm hơn là các điểm cực trên dải tần của thiết bị. Âm thanh mà tai người nghe thấy hàng ngày như: giọng nói, tiếng lá xào xạc, âm thanh của hầu hết loài động vật… đều thuộc dải trung âm.

Sự sai âm của dải trung có thể gây khó chịu cho người nghe. Những bộ loa có tiếng trung thiếu liền lạc, không liền mạch thường cho âm thanh không tự nhiên. Trung âm cũng là yếu tố quan trọng nhất khiến âm thanh của bộ loa trở nên hấp dẫn và ngược lại có thể tạo nên sự khó chịu dai dẳng cho người nghe. Một số cặp loa bị sai âm ở dải trung cho âm thanh giống tiếng nói được phát ra khi một người chụm tay bắc loa quanh miệng. Nhược điểm này khá phổ biến ở những đôi loa hàng chợ.

Những thuật ngữ dùng để chỉ màn trình diễn nghèo nàn và kém cỏi của trung âm có thể kể đến như: mỏng tiếng, sai âm, âm ngực, tiếng thùng, giọng mũi, ông ổng, dày tiếng… Trong đó, âm ngực là thuật ngữ mô tả sự sai âm của dải trung trầm khiến người nghe có cảm giác như thể ca sĩ trình diễn bài hát đó đang bị cảm lạnh. Giọng mũi là hiện tượng dư thừa năng lượng và tập trung thái quá vào quãng tần số nào đó khiến âm thanh phát ra giống như tiếng người nói khi kẹp mũi. Ông ổng có tính chất gần giống giọng mũi, song tập trung ở tần số cao hơn và xuất hiện trên dải tần rộng hơn.

Trong 15 năm trở lại đây, công nghệ chế tạo loa có những bước tiến đáng kể. Do đó, hiện tượng sai âm trầm trọng ở trung âm dường như đã được khắc phục tương đối trên hầu hết thiết bị. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn tồn tại ở những dòng loa rẻ tiền, nhưng đã được điều chỉnh tinh vi hơn khiến người nghe dễ chấp nhận hơn. Ngoài ra, còn có loại sai âm diễn ra ở dải trung trầm thỉnh thoảng xuất hiện ở những cặp loa hi-end đắt tiền do sự cộng hưởng và rung động của thùng. Thùng loa sẽ cộng hưởng và rung động ở một số tần số nhất định, tạo ra năng lượng sóng âm từ thùng khi tần số đạt đến ngưỡng nào đó ở một số nốt nhạc nhất định. Cộng hưởng thùng khiến âm thanh có vẻ tràn, vống về phía trước một cách thiếu kiểm soát. Lỗi này rất dễ nhận thấy khi nghe một đoạn solo piano: những đoạn chạy ngón nhanh, mạnh ở tay khiến các nốt nhạc dường như trỗi hẳn so với các nốt còn lại của bản nhạc. Vấn đề này phát sinh bởi hiện tượng tăng năng lượng đột ngột của một dải sóng âm. Bên cạnh đó, một số hòa âm còn được tạo ra do cộng hưởng thùng. Do đó, khi lựa chọn loa, người chơi nên dành nhiều thời gian để thẩm định âm trung của hệ thống xem có xảy ra hiện tượng sai âm hay không. Chỉ một vấn đề rất nhỏ hoặc thoảng qua khi nghe thẩm định cũng có thể trở thành vấn đề chính, triền miên, gây khó chịu cho người nghe khi sử dụng.

Một yếu tố quan trọng trong màn trình diễn của dải trung là cấu trúc bản nhạc được tái tạo như thế nào. Người nghe cảm nhận cấu trúc một cách cảm tính với âm thanh của bản nhạc. Nó mang tính kết cấu và liên tục nhiều hơn là âm thanh ở thời điểm nhất định. Một cặp loa có thể có cấu trúc âm trung cứng và giòn. Cấu trúc cứng thường lộ rõ qua những đoạn hợp xướng, giọng hát bè với âm thanh phô, gắt gỏng, thiếu chân thực. Vấn đề này càng trở nên tồi tệ khi người nghe thưởng thức ở âm lượng lớn. Với âm lượng nhỏ, hiếm khi phát hiện ra tình trạng này. Tiếng piano cũng bộc lộ rõ nét cấu trúc âm trung cứng. Với cặp loa có hiện tượng này, những nốt cao của piano nghe rất giòn và khó chịu. Khi trung âm không có những biểu hiện trên, có thể gọi đó là thứ cấu trúc âm êm, mượt, ngọt, dịu hoặc tinh tế.

Thuật ngữ sạn – từng đề cập ở kỳ trước khi mô tả âm treble có vấn đề – cũng được sử dụng khi mô tả khiếm khuyết của trung âm. Trên thực tế, sạn ở trung âm có thể gây khó chịu hơn cả sạn ở dải treble. Sạn tiếng ở trung âm có thể được cảm nhận khi âm thanh của nhạc cụ và giọng hát được tái tạo thiếu tinh tế, có độ phô.

Một vấn đề khác tồn tại ở dải trung âm là hiện tượng xé tiếng. Hiện tượng này là sự kết hợp của hệ thống loa bị mỏng tiếng (thiếu độ ấm), cứng tiếng và tràn tiếng. Tất cả hiện tượng trên đều xuất hiện và tập trung tại dải trung. Xé tiếng cũng có thể xuất hiện khi dải trung trầm của cặp loa bị mỏng tiếng khiến dải trung cao trội lên trên toàn bộ màn hòa âm. Sản phẩm audio luôn bị đánh giá rất thấp khi có hiện tượng xé tiếng.

Thông thường, khi thiết bị mắc quá nhiều lỗi ở trung âm cũng như âm treble thường bị gọi là phô tiếng. Khi chọn mua thiết bị, đặc biệt là loa, người chơi nên dành thời gian để tập trung thẩm định trung âm – dải âm có tần suất nghe được lớn nhất khi thưởng thức âm nhạc. Những chương trình dùng để thử thường là các đĩa ghi giọng hát, đặc biệt là giọng opera, giọng bè của dàn đồng ca, đĩa solo piano, kèn sax…

Ở các kỳ trước, chúng tôi đã chia sẻ với độc giả các khái niệm liên quan đến âm treble và trung âm của hệ thống. Trong số này, chúng tôi sẽ đề cập đến âm bass.

Mai A biên dịch và tổng hợp

Ở các kỳ trước, chúng tôi đã chia sẻ với độc giả các khái niệm liên quan đến âm treble và trung âm của hệ thống. Trong số này, chúng tôi sẽ đề cập đến âm bass. Với các cặp loa nói riêng và hệ thống audio nói chung, việc tái tạo âm trầm sao cho tự nhiên là nhiệm vụ khó khăn nhất. Bằng những triết giải mang tính gợi mở về âm trầm, chúng tôi hy vọng phần nào mang đến những thông tin hữu ích cho độc giả khi set-up hệ thống âm thanh cho âm trầm hợp lý.

QUÝ HỒ TINH BẤT QUÝ HỒ ĐA

Âm trầm là nguyên nhân chính gây “phiền hà” trong quá trình tái tạo âm thanh của hệ thống hi-fi. Một suy nghĩ khá phổ biến là càng nhiều âm bass càng hay. Vì thế, nhiều hệ thống nghe nhạc đã được bổ trợ thêm subwoofer hoặc các núm chỉnh âm bass có thể làm căn phòng rung lên bần bật khiến người nghe tức ngực. Kết quả cuối cùng mà người nghe nhận được là tập hợp thanh âm lùng bùng, ầm ĩ và lẫn lộn. Đặc biệt, những âm thanh của bản ghi thuộc về dải dưới được tái tạo với chất lượng rất thấp.

Trên thực tế, vấn đề mà người nghe nhạc quan tâm là âm nhạc được tái tạo như thế nào, chứ không phải là màn trình diễn rung trời, chuyển đất. Điều quan trọng với người yêu nhạc không phải là sự nhiều ít của âm bass, mà là chất lượng trình diễn. Người sành nghe không chỉ tìm kiếm sự hiện hữu vật chất của âm bass mà là chất âm huyền ảo với đầy đủ sắc thái của âm trầm. Chẳng hạn: những người hay nghe nhạc jazz và nhạc cổ điển thường tìm kiếm hệ thống tái tạo chính xác từng nốt búng, gảy dây trên đàn contra-bass. Người nghe cần cảm nhận được từng nốt trầm của bản nhạc, ngay cả khi nó được chơi với tốc độ lớn trong màn hòa âm phức tạp. Nếu nghe các nghệ sĩ contra-bass như Ray Brown, Stanley Clarke, John Patitucci, Dave La Rue, Dave Holland hay Eddie Gomez trình diễn, hẳn người nghe muốn được thưởng thức chính xác những gì họ chơi. Nếu âm bass của hệ thống dở tệ, thì tốt nhất hãy để chúng xuất hiện ít nhằm giảm thiểu sự khó chịu cho người nghe.

Việc tái tạo âm trầm chính xác là yêu cầu thiết yếu tạo nên sự thỏa mãn tổng thể quá trình tái tạo âm nhạc. Âm thanh tần số thấp tạo nên âm nền và giữ nhịp cho toàn bộ bản nhạc. Tuy nhiên, âm trầm lại là phần khó tái tạo nhất, dù đó là thiết bị nguồn, ampli, đặc biệt là cặp loa hay phòng nghe.

Có lẽ, vấn đề phổ biến nhất của âm trầm là tính chi tiết và sự chính xác của cao độ. Hai thuật ngữ trên mô tả khả năng tái hiện âm bass bóc tách thành từng nốt nhạc. Mỗi nốt ở cao độ và sắc thái khác nhau, chứ không chồng chéo, lẫn lộn. Âm trầm tái tạo phải chân thực và chính xác đến mức người nghe phải phân biệt được đâu là âm bass được tạo ra từ cộng hưởng giữa cây vĩ với bộ dây trên cây đàn contra-bass, đâu là âm bass được tạo ra trên cây bass điện Fender Percision. Khi được tái tạo chính xác, âm thanh ở tần số thấp có thể khiến người nghe phải ngạc nhiên bởi độ chi tiết của chúng.

Khi hệ thống tái tạo âm trầm thiếu chi tiết và không có sự phân biệt rành mạch về cao độ của từng nốt nhạc, toàn bộ dải trầm sẽ biến dạng thành âm nền lộn xộn. Người nghe có thể thấy được âm trầm, nhưng âm thanh đó thiếu nhạc tính và không có độ gắn kết với những dải âm còn lại trong bản nhạc. Hệ thống như vậy không thể tái tạo chính xác các nốt nhạc và đánh mất toàn bộ âm hình của hệ thống. Với một số thể loại âm nhạc mà âm trầm đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nhịp như rock, nhạc blue điện tử và một số thể loại jazz, tiếng guitar bass và tiếng trống bass thường có độ trễ so với âm thanh của các nhạc cụ khác, khiến âm thanh tổng thể có phần lỗi nhịp. Hơn thế, tiếng trống bass thường bị tiếng guitar bass nhấn chìm làm giảm nhạc tính nói riêng và chất lượng trình diễn tổng thể của loại nhạc cụ này nói chung. Màn trình diễn bè trầm thuyết phục này còn trở nên tồi tệ hơn với hệ thống có âm bass lớn. Đây cũng là lỗi tiếng trầm hay gặp nhất do cấu hình ban nhạc gồm bass điện và trống bass rất phổ biến.

MỘT SỐ THUẬT NGỮ

Một số thuật ngữ được dùng phổ biến để mô tả âm trầm kém chất lượng như: đục, dính, vỡ tiếng, tràn (vống tiếng). kéo đuôi, thiếu lực, đần, lùng bùng và chậm. Ngược lại, thuật ngữ dùng để mô tả âm bass được tái tạo xuất sắc gồm: căng, nhanh, sạch, rõ ràng, nhẹ nhàng, chặt và chính xác.

“Liều lượng” của âm trầm trong màn trình diễn âm thanh rất quan trọng. Nếu nghe thấy quá nhiều âm bass, âm nhạc sẽ bị lấn lướt bởi bè trầm. Âm bass dư thừa luôn “nhắc” người nghe rằng: họ đang nghe âm thanh tái tạo chứ không phải âm thanh tự nhiên. Sự dư thừa âm bass được gọi là nặng tiếng (heavy). Trong trường hợp ngược lại, tức là quá ít tiếng bass, hệ thống được coi là mỏng tiếng. Một hệ thống mỏng tiếng sẽ làm giảm nhạc tính tổng thể và không thể hiện được tiếng trầm đầy uy lực của cây bass điện, độ hoành tráng và sâu thẳm của tiếng kick-drum, sự run rẩy, gầm gừ của cây vĩ trên đàn contra-bass… Tiếng bass mỏng sẽ khiến âm thanh của cây double bass nghe giống như tiếng cello, tiếng cello lại giống tiếng viola, tiếng trống bass mất đi sức nặng và tác động cần thiết lên bản nhạc trên góc độ tổng thể. Màn trình diễn bị mỏng tiếng thiếu độ ấm áp và cảm giác hiện hữu của nhạc cụ.

Thuật ngữ khác có liên quan đến chất lượng của âm trầm là độ mở hoặc độ sâu của âm bass. Độ mở là khả năng âm bass xuống thấp đến mức nào, không phải là âm bass hoặc bass cao được mô tả có liên quan đến sự dày mỏng hay nặng nhẹ. Thuật ngữ này dùng để chỉ âm bass sâu nhất trên dải âm mà tai người có thể nghe thấy. Một số loại nhạc cụ tái hiện được âm thanh này gồm kick drum và organ hơi (hoặc organ nhà thờ). Gần như tất cả hệ thống – ngoại trừ hệ thống âm thanh rất cao cấp – đều có hiện tượng suy giảm (âm lượng) của các dải tần ở mức rất thấp. Thật may mắn, độ mở cực đại của âm bass lại không phải là điều kiện tiên quyết ảnh hưởng đến chất lượng tái tạo âm nhạc ở mức cao. Nếu hệ thống âm thanh có khả năng tái tạo bè trầm xuống đến 35Hz, thì người nghe dường như không cảm thấy thiếu âm trầm. Chỉ những người nghiện âm trầm hoặc hay nghe đàn organ hơi thì mới cần đến hệ thống có thể tái tạo âm trầm sâu hơn nữa. Một điểm mà người chơi cần lưu ý là thiết bị càng có khả năng tái tạo chính xác âm trầm sâu càng có giá bán không mấy dễ chịu, nếu không muốn nói là rất đắt.

Những hiện tượng sai âm thể hiện ở đỉnh và đáy của dải tần có thể khiến trung âm và âm trầm thiếu tự nhiên. Hiện tượng sai âm ở bè trầm tạo nên màn trình diễn buồn tẻ, đều đều khiến người nghe chóng mệt. Một trong những ví dụ điển hình được gọi với thuật ngữ là “bass một nốt”. “Bass một nốt” khiến âm nhạc bị biến dạng và bè trầm chỉ là những tiếng đập thiếu âm điệu buồn chán.

ĐỂ CÓ ÂM BASS ĐẸP

Có được âm trầm trung thực và tự nhiên là mong muốn của dân chơi audio. Đây cũng là “cảnh giới” khó vượt qua nhất khi set-up hệ thống nghe nhạc, ngay cả với các nhà sản xuất thiết bị audio hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, có thể khắc phục và hạn chế những vấn đề ngoài mong muốn liên quan đến bè trầm.

Trước tiên, muốn có được âm bass sâu đến đâu, được thể hiện ở nhạc cụ nào, người chơi cần lựa chọn đôi loa có dải tần thấp xuống được tương ứng. Tiếp đó, mỗi cặp loa cần được bố trí trong căn phòng có diện tích tương ứng theo nguyên tắc: loa càng lớn hoặc đường kính loa bass càng lớn thì diện tích phòng càng lớn. Ngoài ra, việc kê, đặt loa ở

Vị trí nào trong phòng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng âm bass. Nếu có điều kiện, cặp loa nên được đặt cách tường sau tối thiểu 1m và cách tường bên tối thiểu 0,5m. Các thiết bị đánh cặp cũng là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng của âm bass. Với những đôi loa kín không lỗ thông hơi cộng với độ nhạy và trở kháng thấp, người chơi cần nhắm đến những bộ ampli có công suất lớn với trở kháng xuống được thấp. Đặc biệt, bộ cấp nguồn phải có chất lượng rất cao để đảm bảo cung cấp đủ và bù năng lượng vào đúng thời điểm mà hệ thống yêu cầu. Ngoài ra, hệ thống phụ kiện như dây nguồn, lọc nguồn, dây dẫn và dây loa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tái tạo âm bass tự nhiên và quyến rũ của bộ dàn.

Trước đây, những cặp loa đứng hoặc loa monitor cỡ lớn như: Altec, JBL, Coral… có đường kính loa bass từ 30cm đến cả mét là đích ngắm của những người coi trọng dải trầm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những cặp loa bass có đường kính lớn thường gặp vấn đề về tốc độ và khả năng phối hợp với phòng nghe bởi chúng làm dịch chuyển khối lượng khí lớn, rất dễ va đập với tường và các vật dụng trong phòng gây ra hiện tượng dôi âm. Hiện nay, với sự xuất hiện của những vật liệu mới trong quá trình chế tạo củ loa, thùng loa và vật dẫn, nhiều hãng loa đã thu nhỏ đáng kể đường kính loa bass, thùng loa, đồng thời nâng cao độ chi tiết, độ động của âm bass đáng kể như: Wilson Audio, Kharma, Marten…

Qua 4 kỳ liên tiếp, chúng tôi đã giới thiệu đến các độc giả những thuật ngữ phổ biến liên quan đến âm thanh của bộ dàn như: âm bass, mid, treble…

Tuy nhiên, với dân chơi âm thanh lâu năm, chứng ấy chưa đủ. Trong số này, chúng tội tiếp tục giới thiệu đến độc giả thuật ngữ mô tả đặc điểm âm thanh của hệ thống một cách sâu sắc, cụ thể hơn, đó là âm hình.

Mai A

Để có được hệ thống có âm hình chuẩn, người nghe không nhất thiết phải bỏ cả gia tài để đầu tư vào hệ thống audio mà còn phụ thuộc vào kinh nghiệm và khả năng phối ghép, bố trí thiết bị của người chơi.

Âm hình là thuật ngữ mô tả kích thước hiện hữu của không gian âm nhạc trước hệ thống âm thanh chất lượng tốt, người nghe có thể hình dung được nhạc cụ, ca sĩ phía trước xuất hiện trong không gian biểu diễn như của dàn nhạc trong phòng nghe. Khái niệm âm hình bao trùm thuật ngữ không gian, để chỉ cách nhạc cụ hiện diện trong không gian ba chiều của bản nhạc khi được tái tạo.

Trong các thành phần tái tạo âm thanh – âm nhạc, âm hình góp phần quan trọng mang lại cảm giác kỳ diệu và sống động với hệ thống stereo. Nhưng trên thực tế, cảm giác kỳ diệu ấy lại do những yếu tố khá đơn giản tạo nên: cặp loa trong hệ thống được đánh giá bởi hai dòng tín hiệu biến đổi về điện áp theo mỗi thời điểm trong không gian hai chiều. Chỉ với hai đại lượng biến thiên trên cũng có thể vẽ nên không gian âm thanh ba chiều có hình khối và kích thước rõ ràng. Với hệ thống audio có âm hình tốt, người nghe sẽ không cảm thấy mình đang nghe âm thanh được xếp hàng ngang, phẳng và hẹp về chiều sâu. Thay vào đó, người ta có thể cảm nhận rõ ràng vị trí của nhạc công violin số một phía bên trái gần vị trí nghe hơn. Âm thanh của bộ đồng xuất hiện phía sau dàn contra-bass phía bên phải. Tiếng lục lạc kêu lanh lảnh phía xa (nơi xa nhất trong dàn nhạc). Bản nhạc được cấu thành bởi các âm thanh tách biệt, hiện hữu trong không gian. Hơn nữa, người nghe còn được nghe âm hưởng của cây oboe phát ra từ vị trí của người chơi oboe, âm hưởng của violin phát ra từ vị trí của người chơi violin, những âm dội từ khan phòng bao quanh các nhạc cụ… Những giới hạn về không gian của phòng nghe dưồng như biến mất và thay thế bởi một phòng hòa nhạc mênh mông. Tất cả chỉ với hai đại lượng điện áp.

Âm hình được tạo nên trong não của người nghe nhờ độ biến thiên được mã hóa trên hai kênh âm thanh. Khi người nghe cảm nhận được vị trí phát âm của các nhạc cụ nằm phía sau sân khấu là lúc đôi tai hay bộ não đã tổng hợp được những thông tin trong quá trình xử lý những điểm khác biệt giữa hai dòng tín hiệu được truyền đến tai.

Các thiết bị audio thường có sự khác biệt rất lớn trong khả năng tái tạo đặc tính này của âm nhạc. Một số sản phẩm thường ép cho âm hình như dãn ra về hai bên và rút ngắn chiều sâu của nó. Một số khác lại có thể tái tạo đầy đủ và chính xác âm hình tương tự như không gian biểu diễn thật. Âm hình là yếu tố cốt lõi trong việc tái tạo âm nhạc thỏa mãn người nghe. Tuy nhiên, những thiết bị âm thanh chất lượng không tốt thường làm hỏn âm hình của hệ thống.

Một số thuật ngữ mô tã âm hình tồi như hẹp hoặc bó, âm nhạc như bị nén lại giữa hai loa mà chưa có khả năng phát triển và “bọc” lấy người nghe. Âm hình thiếu chiều sâu bị gọi là phẳng hoặc mỏng tiếng. Lý tưởng nhất là độ mở của âm hình nên nhỉnh hơn chiều sâu của nó. Song, âm hình bị bó lại phía sau cũng làm suy giảm không gian trình diễn của bản nhạc.

Ảo giác về chiều sâu của âm hình được tăng thêm bởi sự tái tạo những âm thanh cộng hưởng của nhạc cụ trong không gian biểu diễn thực. Quả thực, sự dội âm giảm dần sau kh đạt cao trào trước những khoảng lặng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành không gian âm nhạc. Tín hiệu lớn cũng giống như ánh đèn flash trong phòng tối. Ở khoảnh khắc đó, không gian âm nhạc được định vị rõ ràng, cho phép người nghe “nhìn” thấy các chiều kích thước và đặc tính của âm hình.

Để tạo nên ấn tượng về sự hiện hữu có thực của các lọai nhạc cụ trong không gian âm nhạc mà hệ thống trình diễn, bản thân âm cộng hưởng trong không gian biểu diễn thực cũng phải tách biệt so với không gian định vị của các nhạc cụ. Những thiết bị audio tầm tầm khó có khả năng tái tạo kiểu hồi âm trong không gian như vậy. Hiển nhiên, chứng kiến cho chiều sâu của sân khấu ngắn lại, khiến âm dội trùng vào âm hình của từng nhạc cụ, gây cảm giác lộn xộn cho người nghe.

Những thuật ngữ được dùng để mô tả âm hình tốt như: tập trung, chặt chẽ, rõ ràng. Những đặc tính của hình ảnh cũng được mô tả như: hình ảnh chặt chẽ, tập trung, định vị rõ ràng. Một âm hình tồi thường đi kèm những thuật ngư: lẫn, thiếu mạch lạc, lộn xộn, nén, thiếu tập trung…

Một yếu tố quan trọng khác thường được đề cập mỗi khi nhắc đến âm hình, đó là lớp lang. Thuật ngữ này để chỉ khả năng phân tách vị trí xuất hiện trước sau của từng nhạc cụ trong không gian âm thanh tổng thể. Càng xuất hiện nhiều lớp lang trong âm hình, hệ thống càng được đánh giá cao.

Để đánh giá âm hình của hệ thống, người nghe cần có những bản ghi chất lượng cao, tốt nhất là các bản thử máy có mục dành cho âm hình như CD thử máy của các hãng thu âm danh tiếng trên thế giới. Trên thực tế, để phối ghép nên hệ thống có âm hình chuẩn không hề đơn giản, nó vừa phụ thuộc vào khả năng trình diễn của từng thiết bị, vừa phụ thuộc vào sự tương thích lẫn nhau giữa các thiết bị, vào phòng nghe và cách kê đặt loa, lựa chọn vị trí ngồi nghe. Tuy nhiên, các yếu tố trên không buộc người nghe phải bỏ cả gia tài để đầu tư vào hệ thống audio mới có được âm hình chuẩn mà phụ thuộc vào kinh nghiệm và khả năng phối ghép, bố trí thiết bị của người chơi.

Theo Nghe Nhìn

Related Posts

Tìm hiểu về dàn nhạc giao hưởng để thấy vẻ đẹp tuyệt mỹ của âm nhạc cổ điển

Có những bộ nhạc cụ có thanh âm gần với giọng hát con người,

PHÒNG NGHE VÀ NGUỒN ĐIỆN

Tư duy mở của một Audiophile có nhiều trải nghiệm thực tế.

Mâm đĩa than bằng gỗ rắn Acoustic Solid Wood/ MPX

Chắc chắn, tôi thực sự thích sử dụng và nghe Acoustic Solid Wood và

Đánh giá mâm đĩa than Acoustic Solid 111 Metall

Acoustic Solid 111 metall gây ấn tượng với âm thanh sạch sẽ và gói

Preamp phono Tsakiridis Zeus Ultima – tên tuổi và âm thanh đẹp

“Zeus Ultima thực sự đã làm cho âm nhạc trở nên sống động với

Signal Projects và Tsakiridis Devices – Sự kết hợp âm thanh đẹp

“Mình test rất nhiều thể loại nhạc và nghe đi nghe lại nhiều lần

Munnich High End Show 2022

  MUNICH HIGH END, triển lãm âm thanh nổi tiếng quốc tế, là sự kiện

Âm ly tích hợp Tsakiridis Theseus và các giải thưởng

  Bộ khuếch đại-DAC tích hợp Tsakiridis Devices Theseus Nhà phân phối Antal Audio Group của Hoa

Linh hồn của một dàn máy Hi-End

. Người yêu nhạc và đam mê âm thanh Hi-End, nếu đã từng giao lưu

BỘ LỌC NGUỒN CAO CẤP TỪ SIGNAL PROJECTS

Nguồn: LP Magazine – mr. Thomas Schmidt Dịch và biên tập: Đức Hùng Nguồn điện sạch

Signal Projects dưới góc nhìn chuyên môn và đánh giá từ báo chí

Bài viết sẽ liên tục cập nhật thông tin mới. Mời các bạn đón

Signal Projects – Đánh giá, review và giải thưởng qua các kỳ triển lãm

Những hình ảnh của Signal Projects – nhãn hiệu dây cáp đến từ Vương

Tsakiridis Devices

?????????? DEVICES — Tsakiridis – cái tên còn khá xa lạ với audiophiles Việt Nam có

ĐÁNH GIÁ VỀ Ổ NGUỒN SIGNAL PROJECTS  FILTRON

  (BY DIMITRIS STAMATAKOS – amanazine for audio –  7/2021) Nhiễu sóng âm siêu tần số

Signal Projects HYDRA – Mono & Stereo magazine

Hydra – Kết nối tín hiệu mạnh   Signal Projects Audio Ltd. Các kết nối XLR

Câu chuyện về gia đình mâm than Acoustic Solid

ACOUSTIC SOLID / WIRTH TONMASCHINENBAU Ở ALTDORF Nhiếp ảnh: Helmut Hack “Acoustic Solid, một công ty

Bộ sưu tập mâm đĩa than của Acoustic Solid

Đặc trưng đầu đĩa than của Acoustics Solid là những chiếc mâm quay bằng

Kể chuyện mâm đĩa than Acoustic Solid

MÂM ĐĨA THAN ACOUSTIC SOLID – ÂM THANH ĐẸP VÀ CHẤT LƯỢNG Giới thiệu chung Sản

“Sao Mai” Xuân Hảo bán sạch 3000 album nhạc Trịnh trước khi phát hành

Nam ca sĩ Xuân Hảo – Giải nhất Sao Mai 2009 dòng nhạc thính

KỂ CHUYỆN TSAKIRIDIS DEVICES

TSAKIRIDIS DEVICES – GIÁ CẢ / SẢN PHẨM CHẤT LƯỢNG TỐT NHẤT TỪ TRƯỚC

Không hài lòng với chất lượng âm thanh, Audiophile người Nhật quyết định dựng cột điện riêng

Đối với các audiophiles tầm cỡ và nhiều trải nghiệm, chẳng có điều gì

AUDIOPHILE LÀ GÌ?

AUDIOPHILE LÀ GÌ? Chúng ta thường nói và nghe nói cụm từ Audiophile, nhất là

VÌ SAO NHIỀU NGƯỜI CẢM GIÁC ĐẠT “CỰC KHOÁI” KHI NGHE NHẠC?

Bạn đã bao giờ nghe một bản nhạc nào đó và cảm thấy ớn

CẤU THÀNH DÂY CÁP SIGNAL PROJECTS CHẤT LƯỢNG CAO

Hãng dây dẫn được xem là chất lượng cao là hãng luôn trú trọng

SIGNAL PROJECTS – DÂY CÁP ÂM THANH CHẤT LƯỢNG CAO SẢN XUẤT TẠI VƯƠNG QUỐC ANH

Khởi đầu bằng tình yêu và đam mê dành cho âm nhạc, vào năm

Loa Usher S-520 – Vô địch trong tầm giá dưới 10 triệu

Tôi thuộc tuýp người ưa “lọ mọ”, luôn đề cao khẩu hiệu “trăm nghe

TÌM HIỂU VỀ LOA

CƠ BẢN VỀ CỦ LOA ĐIỆN ĐỘNG 1 Giới thiệu: Chào các bạn: trong hệ thống

Những điều cần biết về loa

Nói đến loa là nói đến sóng âm và không khí. Công nghệ loa

“Made in Germany” và triết lý kinh doanh đặc biệt của người Đức

Nước Đức là nước bắt đầu nền công nghiệp hóa rất muộn, khi mà

Chơi âm thanh đẳng cấp đừng đi tìm sự tuyệt đối

Trong thế giới âm thanh, từ âm thanh hi-fi, hi-end, hệ thống âm thanh

KỸ THUẬT DÒNG ARCONA CỦA GAUDER AKUSTIK

Dòng Arcona có một sự cân đối hoàn hảo giữa giá cả và chất

Hi-end audio là gì ?

Sản phẩm high–end audio là một thứ phương tiện truyền thông để diễn đạt

TỪ A-Z THUẬT NGỮ AUDIO

Việc cập nhật và làm giàu vốn từ về audio không chỉ giúp người

Một số lưu ý để đặt loa đúng cách

Vị trí từ người nghe đến loa Để có thể nhận được âm thanh chất

Cable đắt tiền – có nên mua?

Bất kỳ một sản phẩm nào trên thị trường đều có rất nhiều các

Các kiểu kết nối dây loa trên amplifier

1 . Cổng kết nối phổ biến hiện nay là loại dạng cọc có

Kiến thức nâng cao về Class của Amplifier

Không phải tất cả các bộ khuếch đại ( amplifier) đều giống nhau, chúng luôn có sự

Cách sử dụng âm ly đúng cách

Nhiều người cho rằng sử dụng đầu amply là một việc đơn giản nhưng

Hi-en là gì? Khái niệm về âm thanh Hi-en

Âm thanh HI-END là gì? Bộ dàn Hi-End tuy cũng dùng để thưởng thức âm

Đầu tư đồ âm thanh là để thỏa mãn sự nghe

Nếu bạn đổ công sức và tiền bạc vào xây dựng một hệ thống

Dây Loa tốt, dây âm thanh tốt

TRẠM CẮM VÀ ĐẦU CẮM Trạm cắm dây loa hết sức đa dạng về chất

Cách chọn Amply phù hợp cho Loa

1. Công suất: Công suất lý tưởng của amplifier là lớn gấp 2 lần công

Những vấn đề cơ bản về dây tín hiệu âm thanh

Cùng với dây loa, dây tín hiệu đóng vai trò là một cầu nối

Các thành phần cấu tạo của loa rời

Các dàn âm thanh hiện nay thường lựa chọn các loại củ loa rời

Audiophile là gì?

“Âm thanh trung thực là sao?” Là tái tạo lại âm thanh giống như âm

Mua loa nghe nhạc cần chú ý điều gì?

Nếu bạn đang đi tìm mua loa nghe nhạc cho gia đình mình thì

Những điều cần biết về subwoofer

Một loại loa đặc biệt, thường được gọi là loa subwoofer, đảm nhận trách

Chọn ampli đèn hay bán dẫn?

Chọn ampli đèn hay bán dẫn?”…một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng đã

Giải mã tên gọi “DAC” và công dụng của nó

Trước thời đại công nghệ số, DAC được coi là hữu hiệu sau khi

Nguyên lý hoạt động của ampli đèn

Ampli đèn vận hành chủ yếu dựa vào nguyên lý hoạt động của bóng

Tại sao nên lựa chọn loa nghe nhạc 2.0, 2.1 để nghe nhạc

Loa nghe nhạc 2.0, 2.1 còn được gọi là loa nghe nhạc với âm

Hướng dẫn cách phân biệt Loa bose thật và loa Bose Giả

Hiện nay đã có rất nhiều khách hàng đang băn khoăn rằng nhiều công

Lời khuyên dành cho người chơi âm thanh là ‘Đừng tìm sự tuyệt đối’

Khi chơi âm thanh chúng ta đừng bao giờ mong chờ có sự tuyệt

Hướng dẫn tối ưu chất lượng âm thanh đầu đĩa CD

Khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường âm nhạc đã có nhiều thay

Định nghĩa loa toàn dải là gì?

Chắc hẳn các bạn đã nghe nói đến loa toàn dải nhưng rất nhiều

5 lý do khiến cho việc nghe nhạc bằng loa toàn dải không bị mệt.

Nếu các bạn đã đọc bài viết 4 lý do khiến cho việc bạn

“Nhiều audiophile Việt Nam đang chơi thiết bị, chưa biết nghe nhạc”

Nổi tiếng là người cung cấp các thiết bị âm thanh khủng cho dân

Triode 25: Phiên bản kỷ niệm 25 năm Unison Research

Trong dịp kỷ niệm 25 năm thành lập hãng, Unison Research đã cho ra

Năm bí quyết chọn và phối ghép loa toàn dải cho nhu cầu chơi Hiend

Nhiều người ví đi mua củ loa toàn dải cổ và phối amply đèn

Mách bạn những tai nghe Earbud tốt nhất trên thị trường

Earbud là dòng tai nghe nhét tai nhỏ gọn thuận tiện nhất trên thị

HEVC – chuẩn nén chất lượng cao trong tương lai

1. HEVC là gì? HEVC – High Efficiency Video Coding là định dạng chuẩn nén

Những mẩu chuyện về người chơi âm thanh

Năm 2006, trong chuyến về lại Hà Nội, tôi có dịp nghe thử một

Sự khác biệt giữa loa nghe nhạc và loa xem phim

Trong bài này, mình sẽ chia sẻ với các bạn về sự khác biệt giữa loa nghe

Ý nghĩa những con số 2.0, 5.1, 7.1 trong âm thanh là gì?

Các thuật ngữ về âm thanh vòm dưới dạng số như 2.0, 5.1, 7.1

4 sai lầm có thể giết chết tai nghe và ampli của bạn

Đây là những sai lầm mà ngay cả những tay chơi đã có 1,

Chơi âm thanh không giống chơi siêu xe

Theo anh Việt, một audiophile thế hệ 8X, sở hữu dàn hi-end thoả mãn

Phòng nghe nhỏ: Nên dùng loa cột hay bookshelf?

HFVN – Giả sử không có loa bookshelf, hẳn những người yêu nhạc khắp

Vài kinh nghiệm xử lý âm học phòng nghe

Xử lý một phòng nghe nhạc có thể đơn giản chỉ là treo một

‘Tôi là một Audiophile’

“Cuộc sống quá ngắn ngủi và âm nhạc là thành tựu vĩ đại của

HI-END – Điều kỳ diệu phần 3

Có hai thiết bị mà theo anh là phải học mới hoàn toàn, chúng

HI-END – Điều kỳ diệu – phần 2

Hệ thống âm thanh Trong một tầm giá đã định trước anh tham khảo chọn

HI-END – Điều kỳ diệu phần 1

Tưởng chừng như đã chia tay hẳn với hi-end audio, sau nhiều năm chỉ

Lossless – Lossy: Định dạng nào tốt nhất (Bài viết dành cho giới Audiophile)

1. Lossless – Lossy: 2 em là ai? Lossless và Lossy ngày nay đã

Phụ nữ và dàn hi-end

Phụ nữ và dàn hi-end từng có thời điểm là kẻ thù của nhau,

Bí quyết lắp đặt và nâng cấp cho dàn Hi – End tuyệt vời

Sau khi đã định được ngân quỹ, bạn sẽ đi mua và tiến hành

Loa Jamo của nước nào sản xuất?

Jamo – thương hiệu loa danh tiếng hàng đầu thế giới của tập đoàn

Cách nâng cấp loa mà không hề tốn kém chi phí

10 biện pháp đơn giản, dễ thực hiện nhưng hiệu quả mà không quá

Chọn Ampli cho Loa Tannoy

“Tannoy ***** thì không nên mua. Bác sẽ đau khổ trong việc tìm Ampli

4 quan điểm sai lầm khi mua thiết bị âm thanh

Khi mới bắt đầu làm quen với một lĩnh vực nào đó, chắc chắn

Loa sub và cách phân biệt

Hiện nay, trong bất cứ dàn âm thanh chuyên nghiệp nào cũng đều có

Có nên sử dụng song song amply và loa siêu trầm?

Nhiều người sử dụng thường kết hợp sử dụng amply karaoke với loa karaoke

Loa siêu trầm là gì? Tác dụng của loa siêu trầm

Với dòng loa karaoke thì viêc bố trí thêm một thiết bị loa siêu

Bí Quyết Để Cục Đẩy Công Suất Luôn Hoạt Động Tốt Và Bền Bỉ

Như bạn đã biết, cục đẩy công suất còn gọi là main công suất đóng

CỤC ĐẨY CÔNG SUẤT LÀ GÌ?

Bạn đang cần tìm hiểu “Cục đẩy công suất là gì? Chức năng của

NGUYÊN LÝ VÀNG KHI GHÉP LOA VÀ AMPLI JARGUAR PA-203N

Để có một bộ dàn karaoke thật sự hoàn hảo thì việc phối ghép

AMPLY JARGUAR 506N GHÉP VỚI LOA NÀO THÌ HÁT KARAOKE HAY

Lý do nhiều khách hàng cần tư vấn amply jarguar 506n ghép với loa

CẨN THẬN KHI MUA LOA JBL KS 310

Dòng loa JBL KS 310 nói riêng và các dòng loa JBL nói chung

Đánh giá âm ly (amplifier) Jarguar Suhyoung PA-506N (KOMI)

Hiện nay amply karaoke nào được sử dụng phổ biến nhất? Theo các thống

Amply karaoke Jarguar,cách phân biệt amply Jarguar thật và giả

Amply Jarguar là 1 thương hiệu rất nổi tiếng của Hàn Quốc , được

Hướng dẫn sử dụng đầu karaoke Việt KTV – HD

Sách hướng dẫn bao gồm thông tin trước khi sử dụng và các chức

Loa Jamo D590 phối ghép với âm ly nào thì phù hợp?

Đôi loa Jamo D590 huyền thoại lại một lần nữa xuất hiện trên thị

Hãng Jamo, một huyền thoại với các model loa cao cấp

Lịch sử hình thành loa Jamo Hãng loa Jamo được biết đên là một trong

Vì sao nên chọn mua Ampli DENON PMA-2020AE

Ampli integrated sở hữu sò chịu dòng siêu cao UHC-MOS sở hữu kinh nghiệm

Làm sao để vệ sinh tweeter một cách an toàn?

Các màng loa là thành phần “mỏng manh dễ vỡ” nhất trong một bộ

Biến áp cách ly là gì và tác dụng của nó

Biến áp cách ly (BACL) được coi là một trong những phụ kiện rất

Toàn tập tất cả những điều bạn cần biết về băng cassette (Phần 2): Tape Bias là gì ?

Đã có lần nào bạn thắc mắc về ý nghĩa của những thông số

8 sai lầm với hệ thống rạp hát gia đình

Bạn đổ ra một đống tiền để trang bị cho phòng nghe một hệ

Phân biệt loa siêu trầm chủ động và thụ động

Với loa nghe nhạc cao cấp loa siêu trầm thụ động cần nguồn nuôi

10 điều cần chú ý trước khi mua loa soundbar (Phần 2)

Ngoài 5 yếu tố chính thường được nhắc tới mà đã đề cập tới

10 điều cần chú ý trước khi mua loa soundbar (Phần 1)

Khi TV ngày càng mỏng khiến loa tích hợp bị giảm sút chất lượng,

Có nên dùng lọc điện,biến áp cách ly cho dàn âm thanh

Cách đây khoảng 12 năm khi thị trường audio còn mới lúc đó thông

4 yếu tố vàng tạo nên một bộ dàn âm thanh hay

Âm thanh là một thế giới trừu tượng rất khó định lượng và định

Cách làm cho hệ thống âm thanh cao cấp đạt hiệu quả cao nhất

Bạn bỏ ra nhiều tiền để mua hệ thống dàn âm thanh hi end

Chơi loa Hi-end: Chín người 10 ý

Chuyện bỏ ra vài chục triệu đồng để rinh một dàn loa không vừa

Tuyệt chiêu set-up loa

Đại diện Nordost, ông Bjorn Bengtsson đã tiết lộ tuyệt chiêu về set-up loa,

Những sai lầm thường gặp trong thú chơi âm thanh

Chơi audio đôi khi còn được gọi là một nghề, bởi nó không chỉ

Những vị trí đặt loa phù hợp nhất

Sở hữu một bộ loa chất lượng là “điều kiện cần” để tạo được

Các thành phần cấu tạo của loa rời

Các dàn âm thanh hiện nay thường lựa chọn các loại củ loa rời

Những nguyên nhân làm Mixer mất tiếng

Khi Mixer bị mất tiếng, bạn chớ vội gọi chuyên viên kỹ thuật âm

Chơi hi-end phục chế

Sử dụng các thiết bị âm thanh hi-end phục chế được xem là giải

Trang âm, tiêu âm, tán âm và cách âm được hiểu như thế nào?

Để hiểu rõ trang âm, tiêu âm, tán âm, cách âm là gì? Cách

Những điều cần chú ý khi mua loa cỡ lớn

Rất nhiều người thường nghĩ rằng loa càng to thì nghe càng hay, các

6 chữ “Không” khi setup hệ thống âm thanh Hi-end

Để setup một hệ thống Hi-end hay không chỉ phụ thuộc rất nhiều vào

Phong thủy nhà ở: Giảm xung đột khí nhờ sắp xếp các thiết bị điện tử

Ngày nay chúng ta đang sống trong thời đại điện tử, xung quanh chúng

Tự ráp Preampli – Theo mạch Ultrapath

Tầng ra đơn (single-end) đã có lịch sử gần một thế kỷ. Trong những

Xử lý âm cho phòng nghe nhạc, xem phim

Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn trên internet và thực tế, do

Khai Thác Tối Đa Hiệu Quả Âm Thanh Của Phòng Nghe Nhạc

Để thưởng thức âm nhạc một cách trọn vẹn và phát huy tối đa

Loa đắt khác loa rẻ ở đâu

Giá trị của loa nằm ở thiết kế để tạo chất lượng âm thanh

Phòng Nghe Nhạc “Đạt Tiêu Chuẩn”

Một phòng nghe nhạc được xem là “ đạt tiêu chuẩn “ sẽ được

Xử lý tự làm tiêu âm phòng nghe

Khi bạn có ý định bố trí một không gian để nghe nhạc, vấn

Tiêu âm, tán âm, basstrap là gì và làm sao cho đúng

1.1 Tiêu âm (Absorber) là gì? Một loại tiêu âm hay được nhắc đến nhiều

Cần chú ý những gì trước khi đầu tư 1 bộ Soundbar?

Nếu như cảm thấy loa trong của TV quá nhỏ, chất lượng không tốt

Giải pháp chống rung hữu hiệu cho thiết bị audio

Hầu hết các thiết bị  âm thanh từ preamp, poweramp cho đến các đầu

Đối xử tốt với âm thanh, âm thanh sẽ đối xử tốt với bạn

Nếu thực sự đang muốn đầu tư nghiêm túc cho một home theater giải

Nhà máy Denon Nhật Bản, ngày ấy và bây giờ

Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng tôi lại mô tả một nhà máy với

DENON – Chặng đường 100 năm

Với các tay chơi audio tại Việt Nam, hẳn Denon không phải là một

Một lần ghé thăm nhà máy Vienna Acoustics

Một lần đến Vienna được đắm mình trong không khí vừa cổ kính vừa

CHỌN MUA AMPLI HÀNG CŨ, HÀNG BÃI

Hình thức bên ngoài của ampli tượng đối dễ kiểm tra. Không nên chọn

LOA BÃI, CÁCH CHỌN LOA BÃI XỊN

Loa bãi là gì Loa bãi là dòng sản phẩm đời đầu tiên của các

8X chơi hi-end

Thú chơi vân vi và tốn kém mang tên hi-end đang được trẻ hóa

Hi-end chơi là không có điểm dừng

Âm thanh được mô tả như một thứ gây nghiện tràn đầy hưng phấn,

4 cách hiểu đúng về khái niệm âm thanh Hi-end?

Có rất nhiều quan niệm sai lầm về khái niệm Hi-end, thậm chí có

Thế nào là dân chơi audio thực thụ làm sao để đánh giá đúng nghĩa là chơi audio đẳng cấp

chơi âm thanh cái thú chơi vô thưởng vô phạt , chơi cho biết,

Tuổi bao nhiêu để có thể chơi hi-end?????

thật sự hi-end là gì ??? theo tôi , với cái kinh nghiệm 30

Kiên “Xồm” và thú chơi Amplier cổ

Amplier là một bộ phận không thể thiếu của bộ phát nhạc và nó

3 câu hỏi trước khi mua đầu đĩa than

Dù CD hiện nay là định dạng yêu thích của người chơi âm thanh,

Chọn đĩa than cho người mới chơi

Bạn đã từng nhìn thấy những chiếc đĩa than quay tròn, phát ra âm

Tại sao lại là Đĩa Than

THÚ CHƠI ĐĨA THAN TẠI SAO? Kỹ thuật ghi – đọc bằng đĩa than thuần

Bảo quản loa hi-end

Loa là đầu ra và là thành phần quan trọng nhất của bộ dàn

5 bí quyết chọn và phối ghép loa toàn dải cho nhu cầu chơi Hi-end

Nhiều người ví đi mua củ loa toàn dải cổ và phối amply đèn

Vệ sinh và bảo quản ampli đúng cách

Để ampli được bền đẹp cũng như có tuổi thọ cao, bạn cần phải

Những chú ý trước khi mua Ampli đa kênh

Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ số, thay thế cho

Kinh nghiệm điều chỉnh ampli mới

Hướng dẫn đầy đủ các bước điều chỉnh ampli mới. Bạn có thể dễ

Cái duyên “lạ” trong nghề chơi âm thanh

Từ khi biết đến, chỉ dám chụp ảnh ngắm cho đến khi sở hữu

Nhìn lại thời vàng son của dân chơi Ampli Việt

Những ngày trào lưu Audio nở rộ, nhiều dân chơi sẵn sàng vung tiền

CHƠI AUDIO… CẦN NHỮNG GÌ?

” Tôi đến với thú vui audio không hề tình cờ như mọi người, audio

Thú chơi của các ông chồng khiến bà vợ nào cũng hãi

Đến nửa đêm gà gáy, con thì sắp thi mà ông chồng và đám

iRPM: phần mềm đơn giản xác định tốc độ mâm than

Có rất nhiều cách để giúp các tín đồ đĩa than xác định và

Chơi Audio: Thiên đường ngộ nhận

Chơi audio, trước hết phải nhìn nhận là một thú chơi tao nhã. Nhất

Lược sử ampli đèn

Năm 1904, bóng đèn 2 cực chân không (diode) đầu tiên ra đời, bắt

Tìm hiểu độ nhạy của loa

Một trong những thông số cơ bản nhưng khá hữu ích khi tham khảo

Thông số kỹ thuật của loa nói lên điều gì?

Giống như những thiết bị nghe nhìn khác, khi mua loa người dùng dễ

Chơi âm thanh đừng tìm tuyệt đối!

Trong thế giới âm thanh hi-fi, không có thiết bị nào là hoàn hảo

KINH NGHIỆM CHO “DÂN CHƠI ÂM THANH” MỚI VÀO NGHỀ

Cho dù bạn là “dân chơi âm thanh nghiệp dư” hay bạn là “dân

Phối ghép, lắp đặt và nâng cấp hệ thống hi-end

Khi nâng cấp từng thiết bị trong hệ thống, bạn sẽ nhận ra có

Bí quyết xây dựng hệ thống âm thanh như ý

Việc xây dựng một hệ thống âm thanh như ý với khoảng ngân sách

Sự trung thực của âm thanh là như thế nào?

KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ SỰ TRUNG THỰC CỦA ÂM THANH   Âm thanh là một

Hi-end audio là gì ?

Sản phẩm high–end audio là một thứ phương tiện truyền thông để diễn đạt

Những chia sẻ của chuyên gia về vấn đề nguồn điện và dây cáp trong dàn âm thanh high-end

Mới đây Công ty TNHH Âm thanh HifiClub đã tổ chức một buổi workshop

Chọn nguồn phát hi-end

Một dàn máy hi-end được kết hợp bởi 3 phần chủ yếu: phần nguồn

Loa tiền tỷ phô diễn sức mạnh tại AV Show Hà Nội

Cặp loa khủng nhất tại AV Show Hà Nội 2016 là Raidho Acoustics D-5.1

Những dàn âm thanh hi-end tiền tỷ quy tụ tại Hà Nội

Lần đầu được tổ chức tại Việt Nam, Hi-end Show quy tụ những thiết

Những điểm sáng trên thị trường hi-end audio 2016

Vào thời điểm cuối năm, hãy cùng nhìn lại những dấu ấn nổi bật

“Made in Germany” và triết lý kinh doanh đặc biệt của người Đức

Nước Đức là nước bắt đầu nền công nghiệp hóa rất muộn, khi mà

[Manual] Hướng dẫn sử dụng loa bluetooth Vifa Helsinki

Xin chúc mừng bạn đã sở hữu loa Vifa Helsinki – Mẫu loa dành

[Manual] Hướng dẫn sử dụng loa bluetooth Vifa Oslo

Xin chúc mừng bạn đã sở hữu loa Vifa Oslo – Mẫu loa dành

Lansche No.3.1: Độc đáo với công nghệ tweeter plasma CORONA

Cặp loa hi-end 2,5 đường tiếng No.3.1 của Lansche với tweeter plasma CORONA có

[Manual] Hướng dẫn sử dụng ứng dụng Vifa trên thiết bị di động

Tất cả các mẫu loa Vifa đều có thể thực hiện thêm nhiều điều